THỜI GIAN LÀM VIỆC
Thứ 2 đến thứ 7:
Sáng: 7h00 – 11h30
Chiều: 12h30 - 16h00
Chủ nhật:
Sáng: 7h00 – 11h30
Chiều: nghỉ
Hotline: (0236) 3509 808
Cấp cứu: (02363) 3650 950
Ths.Bs Nguyễn Văn Hạc
Vừa qua, khoa Tim mạch Lồng ngực bệnh viện Đa khoa Hoàn mỹ Đà Nẵng đã phẫu thuật thành công một trường hợp thông liên thất trên bệnh nhân 11 tháng có trọng lượng 7,5 kg.
Bệnh nhân tên Vũ Hà Đông A…; Nam; Cư trú tại thành phố Đà Nẵng. Bệnh nhân được phát hiện bị thông liên thất từ khi hai tháng tuổi. Bệnh nhân thường xuyên bị phế quản phế viêm phải điều trị nội trú tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Hai tháng gần đây bệnh nhân thường xuyên bị khó thở phải vào bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ Đà Nẵng để điều trị.
Kết quả siêu âm tim cho thấy :
- CIV phần màng, đường kính = 8mm, shunt trái – phải, Gradient VG/max = 65mmHg
- Hở valve 2 lá 1.5/4,PAPs = 35- 40mmHg
- EF = 62 %.
Kết quả X quang tim phổi: Theo dõi phế quản phế viêm. Theo dõi tăng áp lực đông mạch phổi
Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật lúc 8 giờ ngày 09/09/2008 đến 11giờ 30 bệnh nhân được chuyển vê phòng hồi sức (với sự hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể trong vòng 111 phút). Sau 48 giờ theo dõi và điều trị tại phòng hồi sức, bệnh nhân được chuyển đến khoa ngoại và xuất viện ngày 17 tháng 09 năm 2008.
Bàn luận:
Thông liên thất là một trong các bệnh tim bẩm sinh có tần suất cao nhất. Có nhiều kiểu thông liên thất: thông liên thất quanh màng, thông liên thất buồng nhận, thông liên thất vùng phễu, thông liên thất vách cơ bè, thông liên thất dưới động mạch. Khác với thông liên thất, thông liên thất có thể biến chứng suy tim nặng rất sớm, cần điều trị nội khoa tích cực hoặc phẫu thuật sớm.
Chẩn đoán thông liên thất dựa vào lâm sàng, điện tâm đồ, X-Quang, siêm âm tim và thông tim. Tiếng thổi toàn tâm thu ở vùng giữa tim của thông liên thất thường giúp gợi ý chẩn đoán. Siêu âm tim 2D và Doppler màu giúp xác định bệnh. Đôi khi cần siêu âm thực quản. Thông tim chỉ cần thiết khi muốn biết sức cản mạch phổi.
Chỉ định phẫu thuật
Ba yếu tố liên quan đến thời điểm phẫu thuật thông liên thất:
• Phẫu thuật ở tuổi sơ sinh có tử vong cao hơn ở tuổi 1 hay 2.
• Thông liên thất có thể tự đóng
• Thông liên thất có tăng áp ĐMP (động mạch phổi) có thể biến chứng phức hợp Eisenmenger nếu thời điểm phẫu thuật chậm.
Thông liên thất lỗ nhỏ đơn thuần không tăng áp ĐMP không cần phẫu thuật. Chỉ cần khám và siêu âm định kỳ mỗi năm. Cần phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng khi trẻ cần chữa, nhổ răng hay làm thủ thuật ngoại khoa.
Thông liên thất lỗ nhỏ (thường là TLT vùng phễu) nhưng có kèm hở van động mạch chủ (hội chứng Laubry-Pezzi) dù nhẹ cũng cần mổ sớm.
Thông liên thất lỗ lớn với tỷ lệ áp lực ĐMP (ALĐMP) trên áp lực mạch hệ thống (ALMHT) ≥ 0,75 kèm suy tim không kiểm soát được bằng điều trị nội khoa, cần phẫu thuật ngay. Nếu suy tim có thể ổn định được bằng điều trị nội khoa, bệnh nhân cần siêu âm lại vào 5 tháng tuổi, nếu tỷ lệ ALĐMP/ALMHT vẫn còn ≥ 0,75, cần phẫu thuật vào 6 tháng tuổi. Để chậm hơn có thể tổn thương cơ học mạch máu phổi (phức hợp Eisenmenger). Trường hợp kết quả siêu âm vào 5 tháng tuổi cho thấy TLT nhỏ hơn (tỷ lệ ALĐMP/ALMHT ≤ 0,75): chưa có chỉ định phẫu thuật, siêu âm lại vào 12 tháng tuổi.
Đối với trẻ TLT có tỷ lệ ALĐMP/ALMHT < 0,75 và không có suy tim hoặc suy tim có thể kiểm soát dễ dàng, chưa cần phẫu thuật. Siêu âm và khám lại mỗi 6 tháng.
Ở tuổi 4 năm, nếu tỷ lệ ALÐMP/ALMHT < 0,5 kèm lưu lượng máu ÐMP (Qp) trên lưu lượng máu mạch hệ thống (Qs) bằng 1,5 - 2, cần phẫu thuật. Nếu Qp/Qs < 1,5 chưa cần phẫu thuật vì thông liên thất còn có thể tự đóng. Cần siêu âm và khám mỗi 6 tháng.
Ở người lớn có thông liên thất lỗ nhỏ với ALÐMP bình thường và Qp/Qs < 1,3, không cần phẫu thuật. Nguy cơ huyết động và nguy cơ viêm nội tâm mạc nhiễm trùng ít hơn rủi ro của phẫu thuật. Nếu Qp/Qs > 1,5 và ALÐMP/ALMHT = 0,5 cần phẫu thuật.
Người lớn có thông liên thất lỗ lớn với ALÐMP/ALMHT > 0,75 nhưng Qp/Qs thấp do sức cản mạch phổi cao trên 7 đơn vị/m2, không nên phẫu thuật. Nguy cơ tử vong sớm và tử vong muộn sau phẫu thuật cao, đồng thời ALÐMP còn cao sau phẫu thuật. Sinh thiết phổi không giúp giải quyết được phẫu thuật ở các trường hợp này. Tại Viện Tim TP.HCM, người lớn thông liên thất có ALÐMP/ALMHT > 0,75 kèm dòng chảy thông trái phải rất nhỏ hoặc hai chiều (khảo sát bằng Doppler) và độ bão hòa oxy giảm khi gắng sức, không có chỉ định phẫu thuật.
* Xử trí sau phẫu thuật
Tử vong do phẫu thuật thông liên thất thường rất thấp, dưới 2%. Phẫu thuật trước 3 tuổi, tiên lượng rất tốt, tuổi thọ như người bình thường.
Một số di chứng hoặc biến chứng sau mổ có thể là:
• Thông liên thất còn sót lại
• Blốc nhánh phải
• Loạn nhịp nhĩ, loạn nhịp thất
• Tăng áp ÐMP còn tồn tại (trường hợp mổ chậm)
Siêu âm tim Doppler trước ra viện giúp phát hiện thông liên thất còn sót lại. Tuỳ theo biến đổi huyết động, cân nhắc có cần mổ lại. Ða số rất nhỏ, không cần phẫu thuật. Tuy nhiên những bệnh nhân này cần phòng viêm nội tâm mạch nhiễm trùng khi mổ, chữa răng hay phẫu thuật.
Không cần điều trị block nhánh phải. Loạn nhịp tim không triệu chứng cơ năng hoặc không thuộc loại nguy hiểm cũng không cần điều trị.
Bệnh nhân còn áp lực ÐMP cao sau phẫu thuật cần khám và siêu âm thường xuyên hơn.
Quy trình chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật thông liên thất bao gồm:
• Siêu âm khi ra viện, tháng thứ 6, tháng thứ 12 và mỗi năm sau đó
• Khám lâm sàng khi ra viện, tháng thứ 3, tháng thứ 6, 1 năm và mỗi năm sau đó
• Trường hợp bệnh nhân còn áp lực động mạch phổi cao, cần siêu âm vào tháng thứ 3, thứ 6, thứ 12 và mỗi năm sau đó
• Phần lớn các bệnh nhân trẻ phẫu thuật thông liên thất, không cần dùng thuốc trợ tim sau phẫu thuật. Một số ít bệnh nhân có suy tim từ trước mổ, chỉ nên dùng thuốc trợ tim (lợi tiểu, ức chế men chuyển có hay không kèm Digitalis) nếu sau mổ vẫn còn triệu chứng cơ năng và thực thể của suy tim. Khám và siêu âm lại sau 3 tháng. Nếu tiến triển tốt có thể giảm dần và ngưng hẳn thuốc vào tháng thứ 6.
TÀI LIỆU THAM KHẢO :
- Website : Thông tin y Dược Việt Nam
XỬ TRÍ NỘI NGOẠI KHOA BỆNH TIM BẨM SINH ./.
Thời gian làm việc
Thứ 2 đến thứ 7:
Sáng: 7h00 – 11h30
Chiều: 12h30 - 16h00
Chủ nhật:
Sáng: 7h00 – 11h30
Chiều: Nghỉ
Hotline: (0236) 3509 808
Cấp cứu: (0236) 3650 950