Thời gian làm việc
THỜI GIAN LÀM VIỆC
Thứ 2 đến thứ 7:
+ Sáng: 7h00 – 11h30
+ Chiều: 12h30 - 16h00
Chủ nhật:
+ Sáng: 7h00 – 11h30
+ Chiều: Nghỉ
Hotline: (0236) 3509 808
Cấp cứu: (0236) 3650 950
Viêm gan vi rút B (VGVR B) là bệnh truyền nhiễm quan trọng, phổ biến toàn cầu, do vi rút viêm gan B (HBV) gây ra. Theo Báo cáo Toàn cầu về Viêm gan vi rút 2017 của Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính năm 2015 toàn cầu có khoảng 257 triệu người nhiễm HBV mạn và 884.400 người tử vong, phần lớn do các biến chứng xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).
HBV lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ lưu hành cao của nhiễm HBV (tỉ lệ nhiễm HBV > 8%) với đường lây chủ yếu là từ mẹ truyền sang con.
Dù đã có vắc xin dự phòng hiệu quả, tuy nhiên vẫn có khoảng 1,4 triệu ca tử vong trên thế giới do viêm gan (số liệu theo WHO). Tỷ lệ nhiễm viêm gan do siêu vi cao nhất nằm ở các nước có thu nhập trung bình-thấp như các quốc gia Châu Á và Châu Phi. Tuy nhiên, điều tệ nhất là phần lớn người bệnh nhiễm viêm gan không hề biết rằng mình đã mắc bệnh.
Theo thống kê của Hội Gan Mật Việt Nam (tại Hội nghị Gan mật toàn quốc lần thứ 14 vào tháng 05/2019 vừa qua), Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan cao trong khu vực, ước tính có khoảng 8,6 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B. Tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính được ước tính khoảng 8,8% ở phụ nữ và 12,3% ở nam giới.
Đa số người mắc viêm gan siêu vi không có triệu chứng rõ ràng, bệnh diễn tiến âm thầm nên khó phát hiện. Chỉ đến khi bệnh bước sang giai đoạn nặng thì người bệnh mới phát hiện những triệu chứng khác lạ (như vàng da, vàng mắt…), lúc này quá trình điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều hoặc thậm chí đã muộn. Chính vì thế, việc tầm soát viêm gan do siêu vi B là vô cùng cần thiết. Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời, ¼ số bệnh nhân viêm gan B mạn tính sẽ tử vong do ung thư gan hoặc suy gan.
Tại Việt Nam, khoảng 40% các trường hợp tử vong do ung thư gan có liên quan đến viêm gan B. Tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư gan rất thấp vì người dân chủ quan không quan tâm tới sức khỏe của lá gan, sử dụng nhiều đồ uống có cồn. Các loại viêm gan virus có thể khiến người bệnh phải điều trị suốt đời, và tốn kém nhiều tiền bạc.
Viêm gan B có thể lây truyền qua đường máu, đường tình dục, từ mẹ truyền sang con. Nếu chồng hoặc vợ bị nhiễm viêm gan B thì sẽ có khả năng lây cho em bé. Tới 90% trẻ sơ sinh nhiễm vi rút viêm gan B sẽ tiến triển thành viêm gan B mạn. Chính vì vậy, các thành viên trong gia đình nên chủ động phòng bệnh bằng cách:
- Bất kỳ ai chưa có miễn dịch bảo vệ cũng nên tiêm phòng viêm gan B.
- Tất cả phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B để có biện pháp dự phòng lây truyền sang con.
- Không dùng chung bơm kim tiêm, dao cạo.
- Sử dụng dụng cụ y tế đã được vô trùng.
- Truyền máu an toàn.
- Không tiếp xúc trực tiếp với máu/vết thương hở/chất dịch của người khác nếu không sử dụng dụng cụ bảo vệ.
- Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục (trường hợp vợ/chồng đã bị mắc viêm gan vi rút).
- Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, hợp lí: tập thể dục đều đặn, hạn chế bia rượu, tăng cường hoa quả, vitamin và hạn chế các thực phẩm chiên, rán.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh viêm gan vi rút mà không hề hay biết. Hãy kiểm tra và phòng tránh cho người thân bằng cách tầm soát hoặc xét nghiệm máu để loại trừ viêm gan vi rút một cách hiệu quả.
Khoa Nội II
Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng