Còn gì quan trọng hơn việc đảm bảo dinh dưỡng cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ? Cũng chính vì lẽ đó mà nhiều mẹ bầu rơi vào tình trạng không ăn thì sợ thiếu, ăn lại sợ nguy hiểm. Ăn gì, kiêng gì, bổ sung gì để có một thai kỳ hoàn toàn khỏe mạnh là điều mà mọi mẹ bầu đều quan tâm. Cùng Khoa Sản - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tìm hiểu nhiều hơn về chế độ dinh dưỡng cần thiết cho một thai kỳ trong bài viết dưới đây nhé!
Vào mỗi giai đoạn của thai kỳ, mẹ bầu sẽ cần lượng dinh dưỡng khác nhau để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé. Do vậy, việc thích gì ăn đấy, “cái thai nó xử thì phải ăn” đôi khi ảnh hưởng theo chiều hướng xấu đến sức khỏe của cả hai.
3 tháng đầu của thai kỳ (tuần 1 – tuần 13 (tuần 11) là giai đoạn quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ về sau của thai nhi. Thời điểm này, dinh dưỡng chưa cần quá nhiều nhưng buộc phải đủ. Cuối 3 tháng đầu chiều dài thai nhi đạt 6-8 cm. Một số vi chất cần thiết cần phải bổ sung trong giai đoạn này bao gồm: sắt, iot, axit folic, protein, canxi, vitamin D, vitamin C và kẽm. Theo nhiều nghiên cứu đã chứng minh, 4 chất này cần thiết cho sự hình thành các cơ quan quan trọng ban đầu như: tủy sống, não bộ, tim, phổi, gan, ống thần kinh,...Thiếu những chất này, ống thần kinh của thai nhi dễ xảy ra dị tật. Ống thần kinh một khi đã hình thành thì không thể sửa chữa được, hậu quả để lại cho thai nhi là suốt đời. Vì vậy, bổ sung đủ các dinh dưỡng kể trên là điều cực kì cần thiết.
Theo đó hàm lượng vi chất cần được bổ sung trong 3 tháng đầu thai kỳ cụ thể gồm:
+ Protein: 68-81g/ngày
+ Sắt: 15g/ngày 30mg sắt/ngày
+ Axit folic(vitamin B9): nhu cầu 400mcg acid folic/ngày, là vi chất vô cùng quan trọng với mẹ bầu trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất, Axit folic có tác dụng giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh, tật nứt đốt sống trong bào thai.
+ Canxi: 800 mg/ngày
Vào tuần thứ 12 – 28 của thai kỳ, các cơ quan, hệ thần kinh và cơ của thai nhi cơ bản đã hình thành và bắt đầu làm việc. Thai nhi trong giai đoạn này đã có chiều dài khoảng 22-24 cm lúc 27 tuần, mắt, tai đã định rõ hình, đầu của bé có thể bằng 1/2 kích thước thân mình. Khoảng 25.000 tế bào thần kinh được sinh ra mỗi phút ở thai nhi. Lúc này bé cũng đã có nhiều cử động, phản xạ trong bụng mẹ. Đây thực sự là giai đoạn bé cần nguồn dinh dưỡng lớn từ mẹ để tăng trưởng nhanh.
Lượng dinh dưỡng bé cần lúc này có thể lớn gấp 2, thậm chí lớn gấp 3 lần so với giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Lượng vi chất cần thiết theo đó cũng tăng lên cụ thể như sau:
+ Canxi: Thời điểm này, các mô sẽ bắt đầu quá trình hóa cứng thành xương đầu, cánh tay và chân, các xương sườn cũng bắt đầu hình thành. Do vậy, lượng canxi thai nhi cần lúc này là vô cùng lớn. 1200mg/ngày là lượng canxi cần thiết mà mẹ cần nạp.
+ Sắt: Thiếu máu do thiếu sắt ở mẹ bầu khiến việc vận chuyển oxy từ mẹ sang bé kém đi, thiếu sắt cũng khiến mẹ bầu giảm cảm giác ngon miệng, hay mệt mỏi, trẻ sinh ra có nguy cơ bị thiếu máu cao. Lượng sắt cần cung cấp cho giai đoạn này rơi vào 30 mg/ ngày.
Bên cạnh đó việc bổ sung đầy đủ các vi chất khác như: iot, axit folic, protein, kẽm, chất xơ, vitamin, khoáng chất,...theo khuyến cáo của bác sĩ cũng giúp mẹ và bé khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
Chế độ dinh dưỡng phong phú, cân bằng sẽ tốt cho sự tăng trưởng kích thước của bé. Mẹ nên nhớ rằng ăn nhiều chưa hẳn đã tốt, “ăn đúng” sẽ tốt hơn là “ăn nhiều”
Là giai đoạn quan trọng nhất, được xem là giai đoạn thần tốc khi mà thai nhi phát triển nhanh chóng cả về trí não và kích thước. Bé có thể dài thêm gần 25 cm nữa, tổng chiều dài vào khoảng 50 cm. Do vậy, mẹ cần chú ý đảm bảo cung cấp đủ lượng dinh dưỡng mà bé cần.
Bên cạnh các nhóm vi chất cần thiết theo khuyến nghị dinh dưỡng dành cho bà bầu như đã kể, canxi, sắt và Omega 3 (hỗ trợ phát triển trí não), vitamin D, vitamin C là các vi chất cần thiết nhất cho bé lúc này.
- Nhóm tinh bột và ngũ cốc: Bánh mỳ, mỳ, cơm, yến mạch, ngũ cốc,…bổ sung protein.
- Nhóm hoa quả: trái cây tươi, trái cây đóng hộp, trái cây khô, nước trái cây,…bổ sung vitamin.
- Nhóm rau củ: Rau sống, rau nấu chín, đóng hộp, nước ép từ rau củ,…bổ sung chất xơ, vitamin.
- Thực phẩm giàu đạm: Các loại thịt, trứng, hải sản, các loại đậu, đỗ hay chế phẩm từ đậu nành, đậu phộng, các loại hạt,… để bổ sung canxi, sắt, protein. Sữa và chế phẩm từ sữa: sữa tươi, phô mai, sữa chua, kem,…bổ sung canxi.
- Nhóm chất béo từ các loại dầu chứa omega3, omega 9, omega 6 để tăng phát triển trí não.
- Thay vì ăn nhiều hãy nhớ ăn đúng và đủ (đúng thực phẩm và đủ chất dinh dưỡng).
- Kiểm soát cân nặng.
- Xây dựng chế độ luyện tập, nghỉ ngơi hợp lí, tâm lí thoải mái, tránh căng thẳng.
- Tiến hành thăm khám định kỳ, theo dõi cân nặng và sức khỏe thai nhi theo từng tuần tuổi để có biện pháp can thiệp và thay đổi phù hợp.
Ốm nghén trong suốt thai kỳ có thể khiến mẹ chán ăn, nôn ói. Để đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho thai nhi, mẹ có thể áp dụng một số cách sau:
- Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, từ 5 – 6 bữa/ngày để tăng lượng thực phẩm đưa vào cơ thể đồng thời cũng giảm cảm giác ốm nghén khó chịu
- Nếu cơ thể thai phụ có phản ứng nặng với mùi, mẹ bầu có thể thử dùng bánh quy mặn, bánh mỳ nướng, các loại mít sấy, chuối sấy, cách loại hạt hoặc nấu canh thịt với bí đao thêm ít quả sấu, hoặc các loại cháo đậu, hạt sen ý nhĩ…cho bữa ăn đầu ngày, nằm nghỉ ngơi trên giường hoặc có thể ăn ngay trên giường, miễn sao mẹ bầu cảm thấy thoải mái nhất.
- Mặc dù có thể ăn nhiều đồ khô, đồ ăn vặt nhằm giảm triệu chứng ốm nghén nhưng mẹ vẫn nên đảm bảo đủ lượng thức ăn mặn (bữa chính) cho cơ thể.
- Duy trì lượng 2 ly sữa/ngày để đảm bảo dinh dưỡng cần thiết.
- Trong trường hợp cơn ốm nghén trở nên trầm trọng (ốm nghén kéo dài), mẹ bầu cần liên hệ bác sĩ để được kê thuốc chống ói hoặc truyền tĩnh mạch để đảm bảo dinh dưỡng trong suốt thai kỳ.
Thuốc bổ, viên uống bổ sung hay các viên đa chất không còn là điều quá xa lạ với nhiều mẹ bầu. Từ tháng thứ 3 trở đi nhu cầu canxi, sắt, axit folic,…của mẹ tăng cao do nhu cầu từ bé. Việc dùng viên đa chất, viên uống bổ sung dinh dưỡng là điều cần thiết bởi thực phẩm mẹ ăn hàng ngày hầu như không đáp ứng đủ hoặc không đúng nhu cầu dinh dưỡng bé cần.
Mẹ nên lựa chọn viên uống bổ sung đạt chuẩn chất lượng và theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để đạt kết quả tốt nhất.
Nên kiêng gì trong thai kỳ để an toàn cho mẹ và bé?
- Kiêng các thực phẩm tái, sống để tránh vi khuẩn.
- Trứng lòng đào, gan, pate,...
- Tránh sử dụng thức ăn dùng màu thực phẩm vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của thai nhi, khả năng trẻ mắc chứng tăng động sau sinh cao hơn.
- Rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích
Cân nặng trong suốt thai kỳ có liên quan mật thiết đến chế độ dinh dưỡng của mẹ. Tăng cân trong thai kỳ là điều tất yếu nhưng tăng bao nhiêu là đủ, đảm bảo dinh dưỡng là điều nhiều mẹ băn khoăn. Trong nhiều trường hợp mẹ bầu bị thừa cân có thể dẫn đến các nguy về bệnh như: đái tháo đường thai kỳ, cao huyết áp,…Ngược lại, mẹ bầu thiếu cân có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi như: suy dinh dưỡng, sinh non hoặc thậm chí xảy ra tình trạng thai chết lưu.
+ Đối với mẹ suy dinh dưỡng hoặc mang đa thai: nhu cầu tăng cân nhiều hơn các thai phụ khác, dao động ở mức: 12 – 18 kg.
+ Đối với mẹ bầu bình thường: mức tăng cân nên dao động trong khoảng 8 – 12 kg.
+ Đối với mẹ bầu bị béo phì: mức tăng cân nên dao động trong khoảng 6 – 8 kg.
Một phụ nữ bình thường cần trung bình khoảng 2200 kg calo/ ngày, trong thời kỳ mang thai mức calo cần tăng thêm 350kg calo/ ngày (3 tháng giữa thai kỳ) và tăng lên 500 kg calo/ngày (3 tháng cuối thai kỳ)
Như đã nói, canxi, vitamin, khoáng chất là một trong những vi chất cần cho sự phát triển của thai nhi và sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng dồi dào mẹ có thể sử dụng. 2 ly sữa mỗi ngày trong suốt thai kỳ là liều lượng được các bác sĩ khuyên dùng.
Không có loại sữa tốt mà chỉ có loại sữa hợp với mẹ. Sữa phù hợp là loại sữa khi sử dụng không bị táo bón, tiêu chảy,…đồng thời cung cấp đầy đủ dinh dưỡng mẹ cần.
Đối với các mẹ bị nôn ói khi dùng sữa bầu, có thể dùng thêm sữa đậu nành bổ sung song song với sữa bầu cũng rất tốt cho thai kỳ.
Ai cũng biết cung cấp dinh dưỡng đủ, đúng sẽ giúp mẹ có sức đề kháng tốt, thai nhi được phát triển toàn vẹn nhưng bổ sung dinh dưỡng sao cho đúng và đủ lại là việc không hề dễ.
Hiểu được điều đó, Khoa Sản – Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng xây dựng gói chăm sóc thai kỳ toàn diện dành riêng cho mẹ bầu. Tham gia gói khám, mẹ bầu sẽ được thăm khám, theo dõi, làm các xét nghiệm, siêu âm sản phụ khoa, tư vấn dinh dưỡng và chế độ nghỉ ngơi, giúp mẹ và bé vượt cạn thành công.
Ban Tư Vấn Khoa Dinh Dưỡng
Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng
>> Giới thiệu khoa Sản - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng
>> Gói khám tiền sản (tam cá nguyệt) - Cho một thai kỳ khỏe mạnh