Tuần 14, tóc và lông mày của Bé sẽ bắt đầu phát triển. Lông măng cũng phát triển trên toàn thân, giúp giữ ấm cho Bé. Thận đã bắt đầu tiết ra nước tiểu và bài tiết vào dịch ối bao quanh Bé. Gan của Bé cũng bắt đầu tiết mật và lá lách cũng vào “guồng” để sản sinh hồng cầu. Cơ quan sinh dục của Bé cũng hoàn thiện dần. Tuyến giáp của Bé đã trưởng thành và bắt đầu sản xuất hormon.
Tuần thứ 15, tỷ lệ cơ thể Bé đã cân đối hơn - rõ ràng nhất là chân nay đã phát triển dài hơn tay. Bé đã bắt đầu cảm nhận được ánh sáng. Đây cũng là thời điểm các gai vị giác dần hình thành.
Tuần 16, Mẹ đã có thể cảm nhận được những cú đạp của Bé. Bé cũng đã có thể biểu lộ cảm xúc như nheo mắt hay cau mày.
Tuần 17, lượng mỡ đang được tích lũy dưới da để giữ ấm cho Bé sau khi chào đời. Phổi của Bé vẫn tiếp tục được hoàn thiện. Phần sụn cũng dần được vôi hóa để dần trở thành hệ thống xương cứng cáp và hoàn chỉnh. Khả năng nghe của Bé cũng phát triển hơn nên Bé vẫn có thể giật mình bởi tiếng động lớn, đột ngột phát ra xung quanh Mẹ.
Tuần 18, xương của Bé cũng đã cứng cáp hơn, hình thành xương chân và xương tai trong. Mắt của Bé cũng đang hoàn thiện đần, võng mạc đã phát triển đến mức có thể nhìn thấy các tia sáng. Cơ quan sinh dục của Bé cũng gần hoàn chỉnh.
Tuần 19, não Bé đang tái cấu trúc các khu vực đảm nhận chức năng ngửi, nếm, nghe, nhìn và chạm. Chức năng nghe dù chưa hoàn chỉnh nhưng đây lại là lúc Bé bắt đầu làm quen với âm thanh xung quanh mình, đặc biệt là giọng nói của Mẹ.
Tuần 20, Bé đã phát triển nhanh chóng với gần như đầy đủ các chức năng sống cần thiết. Chiều dài của Bé sẽ được đo từ đỉnh đầu đến chân thay vì từ đầu đến mông như trước đây. Da Bé sẽ dày lên, phát triển thành nhiều lớp (bao gồm lớp hạ bì, biểu bì và một lớp dưới da). Tóc và móng tay Bé cũng đồng thời phát triển ở tuần thứ 20.
Từ tuần 21, gan và lá lách của Bé đã sẵn sàng để sản xuất các tế bào máu đến tận ngày sinh. Ruột của Bé cũng phát triển đủ để chuyển hóa một lượng đường nhỏ (có trong nước ối mà Bé nuốt).
Từ tuần 22, Bé cần nhiều vitamin và khoáng chất để phát triển. Các giác quan của Bé cũng trở nên nhạy bén hơn, đủ để Bé cảm nhận được một số va chạm nhất định. Hệ sinh dục vẫn đang tiếp tục phát triển.
Tuần 23, Bé lúc này dài khoảng 29 cm, nặng tầm 450 gram. Mạch máu ở phổi đang phát triển để chuẩn bị cho nhiệm vụ hít thở. Sắc tố da cũng đang được định hình. Bé dần quen với những tiếng động lớn của môi trường xung quanh.
Tuần 24, não Bé đang phát triển rất nhanh, nụ vị giác tiếp tục hoàn thiện. Phổi Bé đang chia nhánh và sinh ra chất surfactant có tác dụng giúp túi khí trong phổi phồng lên khi Bé chào đời. Tai trong cũng đã phát triển hoàn chỉnh, giúp Bé dễ dàng giữ được thăng bằng trong khi lơ lửng hoặc chuyển động trong túi nước ối.
Dinh dưỡng và sinh hoạt thai kỳ cho mẹ bầu (3 tháng giữa thai kỳ)
Mẹ nhớ ăn nhiều rau, củ quả. Cố gắng uống nhiều nước để cơ thể có "nguyên liệu" xây túi ối cho Bé. Bên cạnh đó, mẹ đừng căng thẳng chuyện ăn uống. Chỉ cần sử dụng thực phẩm lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng và bỏ suy nghĩ "phải ăn cho 2 người"(chỉ cần bổ sung 300 – 500 calo/ngày theo độ lớn của thai).
Mẹ cần bổ sung sắt để đáp ứng việc lưu lượng máu tăng cao, hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển của Bé. Mẹ thiếu sắt có khả năng dẫn đến sinh non, bé nhẹ cân. Mẹ mắc chứng cao huyết áp thai kì dễ dẫn đến băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản.
Đây là thời điểm tuyệt vời để lên kế hoạch cho những chuyến đi chơi giúp giải tỏa căng thẳng của 3 tháng đầu thai kỳ (hạn chế những chuyến đi chơi xa hoặc dài ngày).
Mẹ nhớ nhẹ nhàng khi vệ sinh răng miệng, nên dùng bổ sung chỉ nha khoa để chăm sóc răng và nhớ đi khám Nha sĩ định kỳ.
Xin ý kiến Bác sĩ để chọn kem dưỡng da hoặc dưỡng ẩm phù hợp nhất để hạn chế và phòng tránh rạn da.
Mẹ nên dùng các loại áo ngực dành riêng cho bà bầu để tránh cảm giác khó chịu.
Chỉ cần tình trạng thai bình thường, chuyện “yêu” hoàn toàn an toàn nên Mẹ không phải lo lắng Bé sẽ bị đau.
Giữ thói quen tập thể dục để giữ cân nặng lành mạnh, giúp Mẹ phòng tránh được giãn tĩnh mạch chân, đau lưng, căng thẳng... Mẹ nên chọn những bài tập nhẹ nhàng, chậm rãi và có tác dụng toàn thân như Yoga, bơi lội hoặc đi bộ nhẹ nhàng.
Mẹ nên bắt đầu chuyển sang tư thế ngủ nằm nghiêng để tránh áp lực không cần thiết lên các mạch máu. Để ngủ ngon hơn, Mẹ thử kẹp một chiếc gối giữa 2 đầu gối. Đồng thời, Mẹ nên kê cao chân khi ngồi hoặc nằm. Đừng ngồi 1 chỗ quá lâu, nhớ đứng lên và đi bộ nhẹ nhàng.
Tập thói quen trò chuyện cùng Bé. Dù hiện tại Bé chưa "nghe" được giọng Mẹ đâu. Nhưng bù lại hoạt động này có tác động tích cực đối với tinh thần của Mẹ, giúp mối gắn kết giữa Mẹ và Bé bền chặt hơn.
Tìm hiểu trước về cách chăm sóc Bé từ 0-6 tháng tuổi, có thể tham gia các lớp Thai giáo
Tìm hiểu về các bài tập kegel (bài tập làm khỏe cơ sàn chậu) dành cho Mẹ bầu và xin tư vấn Bác sĩ trước khi bắt đầu tập.
Mẹ sẽ thấy khỏe khoắn và tràn đầy năng lượng hơn so với 3 tháng đầu. Nguy cơ sảy thai cũng giảm đi nhiều, chỉ còn khoảng 3%.
Mẹ sẽ có vài thay đổi đáng kể về ngoại hình, dễ thấy nhất là mạch máu nổi khá rõ trên tay chân do lưu lượng máu tăng lên để vận chuyển chất dinh dưỡng đến Bé yêu.
Cân nặng Mẹ có thể tăng từ 4 – 6kg. Để tầm soát dấu hiệu bất thường nhiễm sắc thể ở bé, có thể dùng phương pháp lấy máu xét nghiệm. Mẹ cần thảo luận với Bác sĩ về phương pháp chọc dò ối khi có kết quả nhiễm sắc thể bất thường.
Bầu bì thường làm Mẹ hay nhớ trước quên sau, khó tập trung làm việc hơn. Mẹ cũng có thể bị chảy máu mũi, ợ chua hoặc khó tiêu. Lợi cũng nhạy cảm hơn.
Da sáng hơn, tóc dày và bóng hơn chưa kể tâm trạng lại thoải mái hơn khiến lúc nào nhìn Mẹ cũng thật rạng ngời.
Một vài biểu hiện khác không mấy thoải mái sẽ “ghé thăm” bao gồm: đau lưng, chuột rút, giãn tĩnh mạch, khó ngủ, chảy máu cam... Để hạn chế những tình trạng này, Mẹ nhớ uống nhiều nước, thường xuyên đổi tư thế, không đứng, ngồi quá lâu, chọn trang phục rộng rãi và nhất là giữ lịch tập thể dục để giữ tinh thần và sức khỏe tốt.
Tình trạng rạn da có thể xuất hiện từ tuần thứ 17.
Ngực Mẹ đã phát triển hơn nhiều, da bị kéo giãn và nhạy cảm hơn nên Mẹ sẽ có cảm giác đau.
Mẹ bắt đầu cảm nhận rõ hơn những chuyển động của Bé. Cảm giác có thể chưa quá rõ ràng, gần giống với cảm giác bướm bay trong bụng mỗi khi hồi hộp.
Mẹ nên tham vấn bác sĩ về đo chiều cao đáy tử cung - khoảng cách từ xương mu tới đáy tử cung. Con số này thường bằng số tuần thai +/-2cm. Số này quá cao hoặc quá thấp đều có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ thai kỳ (như Đái tháo đường, ngôi ngược...).
Phụ nữ mang thai có thể mắc phải Đái tháo đường thai kỳ. Tất cả sản phụ đều phải xét nghiệm rối loạn chuyển hóa đường ở tuần 24 – 28 . Đừng quá lo lắng nếu Mẹ phát hiện mắc Đái tháo đường thai kỳ vì bệnh hoàn toàn có thể được kiểm soát bằng chế độ ăn kiêng. Trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể cho Mẹ sử dụng insulin hằng ngày để kiểm soát bệnh.
Tham vấn ý kiến Bác sĩ để chuẩn bị làm Xét nghiệm bộ ba (Triple test) hoặc Xét nghiệm bộ bốn (Quad test). Xét nghiệm Triple test không thể chẩn đoán tình trạng của Bé mà chỉ cho biết hiện tại Bé có nguy cơ bị rối loạn di truyền nhiễm sắc thể như thế nào và có cần phải làm thêm xét nghiệm khác nữa không.
Mẹ cần siêu âm ở mốc 18 – 22 tuần thai để biết cấu trục sọ, đồng thời nhận biết các dị tật có thể xảy ra cho bé như dị tật cột sống, bàn tay và bàn chân v.v.
Mẹ cần siêu âm cổ tử cung mẹ để đánh giá nguy cơ sinh non.
Trong giai đoạn này, mẹ nên đếm cử động thai của bé 2 – 3 lần/ngày vào giờ cố định, nhất là sau khi ăn no. Bé khỏe mạnh có ít nhất 4 cử động/ giờ. Nếu trong 4 giờ có ít hơn 10 cử động thai hoặc cử động yếu, mẹ cần nhập viện ngay để theo dõi.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng
>> [3 tháng đầu] - Sự phát triển theo từng tuần của thai nhi và mẹ bầu
>> [3 tháng cuối] - Sự phát triển theo từng tuần của thai nhi và mẹ bầu
>> Giới thiệu khoa Sản - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng
>> Gói khám tiền sản (tam cá nguyệt) - Cho một thai kỳ khỏe mạnh